Người Ai Cập cổ đại tin rằng cái chết không phải là điểm kết thúc, mà chỉ là cánh cửa dẫn vào một hành trình mới – cõi vĩnh hằng. Để đảm bảo Pharaoh có một cuộc sống trọn vẹn ở thế giới bên kia, những báu vật quý giá nhất đã được chôn cất cùng họ.
Từ mặt nạ vàng lộng lẫy, tượng thần linh thiêng cho đến những cuộn giấy cói ghi chép phép thuật, tất cả đều mang ý nghĩa sâu xa, giúp Pharaoh duy trì quyền lực, bảo vệ linh hồn và tiếp tục tận hưởng sự giàu sang trong hành trình bất tận. Hãy cùng Mercury khám phá những cổ vật huyền bí đã theo chân người Ai Cập vào cõi vĩnh hằng.
1. Tử thư Ai Cập (Amduat – Book of the Dead)
“Tử thư” hay “Sách của người chết” là tên gọi ngày nay được đặt cho một loạt các bản viết tay mà người Ai Cập cổ đại đôi khi chôn theo người chết. Họ gọi những văn bản này là “Cuốn sách hướng dẫn hồn gặp xác vào ban ngày” và lời văn mang ý nghĩa dẫn lối cho người chết ở thế giới bên kia.
Cuốn tử thư tinh xảo và hoàn chỉnh nhất còn sót lại từ thời Ai Cập cổ đại là của Nestanebetisheru. Chủ nhân tử thư vốn là con gái của một vị đại tư tế và một thành viên trong hoàng tộc. Tử thư của Nestanebetisheru có niên đại khoảng 950-930 TCN. Cuốn tử thư thường được gọi là Greenfield. Các nét vẽ trong đó mô tả sự sáng thế với nữ thần bầu trời Nut uốn mình che lấy Geb, vị thần đất trong tư thế nửa nằm.

Cuộn giấy của Nestanebetisheru có chiều dài 37m. Đến đầu thế kỷ 20, cuộn sách được tách thành 96 phần để tiện cho việc nghiên cứu, trưng bày, lưu giữ.
2. Mặt nạ vàng
Mặt nạ của Tutankhamun là một mặt nạ xác ướp gò bằng vàng của Pharaoh Tutankhamun, thuộc Vương triều thứ 18 của Ai Cập cổ đại. Pharaoh Tutankhamun (1332-1323 TCN). Nó đã được phát hiện bởi nhà khảo cổ học Howard Carter vào năm 1925 trong ngôi mộ KV62 và hiện nay nó nằm ở Bảo tàng Ai Cập, thủ đô Cairo. Chiếc mặt nạ này là một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của nghệ thuật cổ đại thế giới.

Vào tháng 8 năm 2015, nhà khảo cổ học Nicholas Reeves đã phát hiện một khung cartouche có khắc tên “Ankheperure mery-Neferkheperure” nhưng đã bị cạo sửa và thay bằng tên nhà vua, nằm bên trong mặt nạ. Do đó, chiếc mặt nạ này ban đầu có thể được dự tính làm cho Neferneferuaten, một nữ pharaoh bí ẩn cuối thời kỳ Amarna.
Ngoài ra, mặt nạ còn được xỏ lỗ tai, một đặc điểm chỉ dành cho các hậu phi và công chúa.
3. Tượng Shabti (Ushabti)
Ushabti (hay shabti hoặc shawabti) là những bức tượng nhỏ được chôn theo người chết trong văn hóa Ai Cập cổ đại. Những bức tượng ushabti này đóng vai trò như một đầy tớ để hầu hạ người quá cố khi họ về thế giới bên kia.

Những bức tượng ushabti được làm từ nhiều vật liệu khác nhau như đất sét, gỗ, đá, sáp hay đất nung, nhưng thông dụng nhất là sứ Ai Cập, đồng và thủy tinh hiếm khi sử dụng. Chữ tượng hình được khắc đầy trên chân của các ushabti. Việc sử dụng ushabti có nguồn gốc từ thời Cổ vương quốc (khoảng 2686 – 2181 TCN). Ban đầu chúng có kích thước to bằng người thật và được chôn cùng với xác ướp. Sau này, các ushabti mới được làm nhỏ lại nhưng với số lượng rất nhiều, có khi được lấp đầy một căn phòng.

Được gọi là “người trả lời”, các ushabti thường mang những câu chữ nói lên sự sẵn sàng của mình trước mệnh lệnh của chủ nhân. Những câu khắc trên ushabti dùng để sai khiến một ushabti thực hiện công việc nào đó được chép từ chương 6 của Cuốn sách người chết, dịch là:
“Soi sáng cho Osiris [tên người chết], những lời nói là sự thật. Hỡi những Shabti! Nếu Osiris [tên người chết] ra lệnh bất cứ công việc gì dưới Khert-Neter (âm phủ), hãy để mọi thứ được hoàn thành, cho dù đó là cày ruộng, dẫn nước vào các con kênh hay là gánh cát từ đông sang tây. Các Shabti đáp rằng: “Tôi sẽ làm, tôi luôn có mặt khi được chủ nhân gọi”.
4. Bình canopic
Bình canopic là những chiếc bình được sử dụng để cất giữ và bảo quản nội tạng của người chết trong nghi thức tang lễ của người Ai Cập cổ đại. Những chiếc bình này có thể được làm bằng gốm sứ, thạch cao, đá vôi, gỗ… tùy thuộc vào vị trí trong xã hội của người chết lúc bấy giờ.

Cái tên “canopic” không phải bắt nguồn từ Ai Cập mà xuất phát từ tiếng Hy Lạp, chúng được đặt theo tên một vị thần trong thần thoại Hy Lạp, là Canopus. Canopus là một hoa tiêu trên con tàu chiến của vua Menelaus. Trong một lần ghé thăm Ai Cập, chàng bị rắn cắn và chết. Vua Menelaus đã cho chôn cất chàng ngay tại vùng đất đó, về sau được người Hy Lạp gọi là Canopus. Những chiếc bình tế phẩm dâng lên Canopus có hình dạng đầu người với phần bụng phình căng.

– Vị thần đầu chim Qebehsenuef chịu trách nhiệm bảo vệ ruột;
– Vị thần đầu khỉ đầu chó Hapi chịu trách nhiệm bảo vệ phổi;
– Vị thần đầu sói Duamutef chịu trách nhiệm bảo vệ dạ dày;
– Vị thần đầu người Imset chịu trách nhiệm bảo vệ gan.
Riêng trái tim sẽ được giữ lại bên trong cơ thể vì người Ai Cập cổ đại tin rằng trái tim chứa ý thức và tính cách của một người. Tuy nhiên, theo thống kê, chỉ có khoảng 25% xác ướp được phát hiện còn giữ lại trái tim bên trong.
Kể từ Vương triều thứ 21 trở đi, kỹ thuật ướp xác được cải thiện cho phép các cơ quan nội tạng được giữ lại bên trong xác ướp. Những chiếc bình canopic không còn được sử dụng nữa nhưng vẫn là một phần không thể thiếu trong nghi thức an táng của người Ai Cập; tuy nhiên chúng lại không được khoét lỗ bên trong.
5. Trang sức Ai Cập

Chẳng hạn, lăng mộ của Tutankhamun chứa một lượng lớn đồ trang sức, bao gồm cả những chiếc vòng ngực tinh xảo.

Susan Allen, một học giả nghiên cứu cao cấp tại Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan, đã viết trong cuốn sách “Lăng mộ của Tutankhamun” rằng, thiết kế của hai trong số những tấm ngực trong lăng mộ của vị vua trẻ này rất phức tạp và bao gồm các mô tả về bọ hung có cánh, hoa anh túc và trăng lưỡi liềm.
KẾT LUẬN
Mỗi cổ vật trong lăng mộ Pharaoh không chỉ là báu vật vô giá, mà còn là chìa khóa mở ra một thế giới huyền bí, nơi niềm tin và quyền lực vẫn tiếp tục tồn tại sau ngàn năm. Những món đồ này không đơn thuần chỉ để trang trí hay thể hiện sự xa hoa, mà còn mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc, giúp Pharaoh vững bước trên con đường hướng đến sự bất tử.
Dẫu thời gian có trôi qua, những di sản này vẫn mãi là minh chứng cho sự vĩ đại của nền văn minh Ai Cập cổ đại – một nền văn minh luôn khao khát chinh phục cái chết để chạm đến cõi vĩnh hằng.